ESG: Biến trách nhiệm tuân thủ của doanh nghiệp thành lợi thế cạnh tranh

Những doanh nghiệp xếp hạng ESG cao hơn có tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu trên 35% và định giá doanh nghiệp cao hơn 20% so với các doanh nghiệp có xếp hạng ESG thấp hơn…

Trong khuôn khổ Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (Dự án USAID IPSC), ngày 21/3, Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức tọa đàm “Xây lợi thế – Vững tương lai cùng Sáng kiến ESG Việt Nam 2024”.
ESG KHÔNG CÒN LÀ TƯƠNG LAI
Phát biểu tại toạ đàm, bà Nguyễn Thị Bích Thuỷ, Phó Trưởng phòng phụ trách phòng doanh nghiệp nhỏ và vừa, Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho rằng biến đổi khí hậu tác động tới đời sống xã hội, kinh tế của mọi quốc gia trên thế giới và Việt Nam không ngoại lệ.
Trước tác động này cũng như trước yêu cầu của các đối tác, các thị trường về sản xuất và tiêu dùng bền vững cũng như cam kết của Chính phủ Việt Nam về phát triển bền vững… đặt ra những thách thức to lớn với cộng đồng doanh nghiệp.
ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) là những trụ cột đo lường các yếu tố liên quan tới định hướng phát triển bền vững của doanh nghiệp. Thực hành ESG cũng như các mô hình kinh doanh bền vững hiện nay là xu thế.
Ngày càng nhiều thị trường trên thế giới nhất là những thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ đều đang áp dụng các quy chuẩn sản xuất bền vững, sản xuất xanh với hàng hoá. Điều này đặt ra bài toán cho các doanh nghiệp nếu muốn gia nhập các thị trường lớn, tham gia, dẫn dắt chuỗi cung ứng thì phải phát triển xanh, phát triển bền vững.
Song theo đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp biến trách nhiệm tuân thủ thành lợi thế cạnh tranh, đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp trong tương lai.
Cộng đồng doanh nghiệp cần phải bắt kịp với xu thế mới nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, không bị thua thiệt cũng như không bị mất đi những cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu một cách bền vững.
Ông Mark Birnbaum, Giám đốc dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (USAID IPSC), cho rằng tăng trưởng xanh không còn là tương lai mà thực sự đang diễn ra. Gắn với hành trình chuyển đổi xanh, cộng đồng doanh nghiệp đối mặt với những thách thức ngày càng lớn.
Ông Mark Birnbaum, Giám đốc USAID IPSC, phát biểu tại tọa đàm.
Theo ông Mark, định nghĩa về một doanh nghiệp thành công đang có nhiều thay đổi, theo hướng toàn diện hơn. Thước đo truyền thống khi đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp qua lợi nhuận, tài chính giờ đây là không đủ. Thay vào đó, hướng tiếp cận toàn diện hơn đang được áp dụng ngày càng rộng rãi, với tầm quan trọng tương đương yếu tố môi trường – xã hội – quản trị bên cạnh các chỉ số tài chính thông thường.
Thực tiễn cho thấy, những doanh nghiệp ưu tiên phát triển bền vững về môi trường, thực hiện trách nhiệm xã hội và tích cực áp dụng các biện pháp quản trị doanh nghiệp có nhiều cơ hội đạt được thành công bền vững hơn.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy những doanh nghiệp có xếp hạng ESG cao hơn đạt được hiệu quả tài chính tốt hơn, thể hiện ở tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu cao hơn 35% và định giá doanh nghiệp cao hơn 20% so với các doanh nghiệp có xếp hạng ESG thấp hơn.
Giám đốc Dự án USAID IPSC nhấn mạnh, tác động của các chỉ số ESG vượt ra ngoài khuôn khổ các chỉ số tài chính, thông qua đáp ứng những yêu cầu chặt chẽ hơn. ESG đóng vai trò là chất xúc tác giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro, nâng cao khả năng phục hồi, dành nhiều lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh môi trường toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu, khan hiếm tài nguyên… Trong bối cảnh nêu trên, các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt các nguyên tắc ESG, ưu tiên áp dụng thực hành ESG để duy trì sự phát triển bền vững trong tương lai.
DOANH NGHIỆP CẦN CHUẨN BỊ TỐT
Bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban IV, chia sẻ trong suốt hơn 2 năm qua câu chuyện xanh và bền vững được nói đến nhiều, thậm chí có nhiều doanh nghiệp chia sẻ họ hơi bị “tẩu hoả nhập ma” vì vừa xanh, vừa bền vững, vừa ESG… song cuối cùng cái gì là cái gì?
Giải thích rõ, bà Thuỷ chia sẻ, thực hành ESG trong doanh nghiệp là hướng đích cho doanh nghiệp tới thực hành phát triển bền vững để gia tăng giá trị cho hoạt động sản xuất, kinh doanh theo các cam kết về các yếu tố E- Môi trường, S- Xã hội, và G- Quản trị doanh nghiệp. Đây cũng là kênh thông tin giúp doanh nghiệp nhận diện được rủi ro và cơ hội có thể bị ảnh hưởng đến khả năng tạo ra giá trị dài hạn cho doanh nghiệp.
ESG: Biến trách nhiệm tuân thủ của doanh nghiệp thành lợi thế cạnh tranh  – Ảnh 1
Hiện nay, nhiều quốc gia là đối tác giao thương quan trọng với Việt Nam đã ban hành các quy định về phát biển bền vững, thực hành ESG. Đơn cử như với những doanh nghiệp xuất khẩu sang EU, chỉ trong khoảng 2 năm nữa, nếu không có những bước chuyển động thì nhiều doanh nghiệp đang nằm trong chuỗi cung ứng cho châu Âu sẽ bị loại khỏi chuỗi. Đó là rủi ro về mặt thị trường liên quan đến chữ E (môi trường).
Liên quan đến chữ S về mặt xã hội, thời gian vừa qua, Đức đã ban hành luật liên quan đến chuỗi cung ứng của Đức, trong đó đặt ra nhiều tiêu chí về lao động, lao động nữ, môi trường làm việc… Như vậy, với những doanh nghiệp đang hoặc muốn nằm trong chuỗi cung ứng của Đức nếu không nhận diện được những quy định trên sẽ đối mặt với rủi ro mất hoặc không có cơ hội.
Về quản trị doanh nghiệp (G), bà Thủy cho biết, trong câu chuyện về mặt quản trị có rất nhiều mức khác nhau về tiến triển năng lực hay mức độ quản trị. Những yếu tố liên quan tới quản trị ban đầu là tự thân của doanh nghiệp để gia tăng giá trị cốt lõi của mình.
Thêm nữa, những diễn biến về mặt chính sách (cả trong nước và quốc tế) cũng đã hàm chứa các yếu tố mà nếu doanh nghiệp không tuân thủ sẽ có rất nhiều rủi ro. “Do đó, doanh nghiệp cần ghi nhớ điều này để có sự chuẩn bị đủ tốt trước khi hoặc đang đi theo con đường phát triển bền vững”, bà Thuỷ nói.
Tuy nhiên, vị đại diện Ban IV cho rằng đây không phải là một bài toán áp dụng chung cho tất cả các doanh nghiệp, không phải toàn bộ các tiêu chí đưa ra đều là lời giải chung cho toàn bộ doanh nghiệp, mà với mỗi loại hình doanh nghiệp sẽ có những lát cắt, lựa chọn, thách thức, áp lực khác nhau.
Trật tự thế giới mới gắn với năng lực số, năng lực xanh đang dần được thiết lập, trong bối cảnh này. Vì vậy ai có sự chủ động sẽ có lợi thế, ai chậm chân sẽ có những rủi ro. Theo bà Thủy, phát triển bền vững vừa là cơ hội vừa là áp lực với doanh nghiệp. Kết hợp ESG để tối ưu cơ hội, tối thiểu thách thức. Chúng ta đi từ con số 0 nhưng chúng ta có thể trở thành anh hùng nếu quyết tâm.